TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI DÂN THỦ ĐÔ Ý THỨC SỬ DỤNG NƯỚC TIẾT KIỆM
Publish date 25/07/2023 | 16:32  | Lượt xem: 207

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3514/QĐ-UBND về phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ 1/7, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện thu giá nước sạch sinh hoạt của người dân theo phương án mới, thay thế Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013.

Việc điều chỉnh xuất phát từ nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương về xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch. Giá nước sạch hiện tại được áp dụng từ năm 2013 đã không còn phù hợp do biến động các chi phí cấu thành giá nước sạch. Cụ thể, giá nước sinh hoạt bán lẻ tại Hà Nội tăng theo lộ trình 6 tháng cuối năm 2023 và 2024 như sau:

          - Từ tháng 7/2023, hộ dân cư cần trả 7.500 đồng/m3 khi sử dụng 10m3 đầu tiên; 8.800 đồng cho 10-20m3 tiếp; 12.000 đồng cho 20-30m3 và 24.000 đồng khi sử dụng trên 30m3. Đến năm 2024 sẽ là 8.500 đồng/m3 đối với 10m3 đầu tiên; 9.900 đồng cho 10-20m3; 16.000 đồng cho 20-30m3 và mức giá cao nhất sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

          - Với đơn vị kinh doanh dịch vụ là 27.000 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 29.000 đồng/m3 vào năm 2024.

- Với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, phục vụ cộng đồng và đơn vị hoạt động sản xuất vật chất, mức giá lần lượt là 12.000 đồng/m3 và 15.000 đồng/m3 từ tháng 7/2023, không quá 16.000 đồng/m3 trong năm 2024.

          Điều đáng nói, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được giữ nguyên mức giá 5.973 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên. Thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, bị ảnh hưởng môi trường như: khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn.

Phương pháp xây dựng giá nước điều chỉnh được căn cứ trên các quy định của Bộ Tài chính, không chỉ đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ mà còn góp phần khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm.

Ngày 06/4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về ưu tiên nguồn nước mặt, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Theo lộ trình sẽ dần thay thế các nguồn giếng ngầm không đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm 31/12/2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025: “Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch là 100%”.  Để xử lý nước đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt mới thay thế quy chuẩn cũ năm 2009, các đơn vị cung cấp nước cần đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước cũ, tăng cường công tác kiểm định, thay thế nguồn nước cấp để bảo đảm nước sạch cấp đến người dân. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm. Do vậy, giá nước cần được điều chỉnh để thu hút được các nhà đầu tư, các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát, nâng cao chất lượng nước sạch bảo đảm sức khỏe cho người dân, để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận, người dân cần tiết kiệm, không lãng phí nước trong sinh hoạt hàng ngày như: tắt vòi nước khi không sử dụng, thường xuyên kiểm tra, đường ống dẫn nước, khi bị rò rỉ cần khắc phục ngay, tránh lãng phí nước sạch. Cùng với những nỗ lực của thành phố, để hoàn thành mục tiêu 100% người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch rất cần ý thức thay đổi thói quen dùng tiết kiệm nước sạch của người dân.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi người, ngoài việc nhận thức và hành động thường xuyên thì cần nêu cao tuyên truyền, đôn đốc, giám sát việc sử dụng nước hợp lý trong cộng đồng, gia đình và ở cơ quan, công sở. Có như thế, hoạt động này mới có hiệu quả thực sự và đem lại giá trị thiết thực trong việc toàn dân chung tay cùng chính quyền nâng cao chất lượng sống, nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi người./.