DI TÍCH LỊCH SỬ
Theo truyền thuyết dân gian sau khi lập làng Quỳnh Lôi, dân đã dựng chùa xây đình để thờ Phật và thờ Thành hoàng làng. Đình và chùa cũng ra đời và đều mang tên của làng cổ Quỳnh Lôi. Chùa Quỳnh Lôi hoặc Quỳnh Phúc có tên chữ là chùa Long Khánh hoặc Khánh Long. Ngôi chùa cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật, phía trước chùa là một khoảng đất rộng gọi là minh đường, đường làng và giếng chùa cùng ao chuôm nối tiếp nhau.
Bước vào chùa qua một tam quan lớn nằm trên gò hình con rùa, sừng sững trong khuôn viên rộng rãi đầy cây cối, hoa lá. Bên không gian ồn ào của vùng đô thị, chùa lại là một thế giới đầy tĩnh lạng, thu thái cho du khách đến tham, đây là một khuôn viên khép kín theo quy hoạch của một kiến trúc chùa cổ, tam quan đồng thời là gác chuông – sân – nhà tổ, nhà mẫu – chùa chính – vường mộ tháp và khu phụ cùng vườn cây.
Tam quan chùa Quỳnh được sửa lại từ thời Nguyễn, song đây là một tam quan đẹp và bề thế, nổi lên như chiếc cổng thành mang dáng một nửa tam quan, một nửa nghi môn, 1 tầng, 8 mái với 8 góc đà đao cong trang trí lá hóa mây, lá hóa rồng, bốn mặt trục của gác chuông đắp câu đối. Mặt chính tam quan đắp 3 chữ Khánh Long Tự. Một chuông đồng cao 1.6m đường kính miệng 0,4m dầy 0,7m, nổi lên 4 chữ lớn “Long Khánh tự chung”. Chuông được đúc vào đời Nguyễn Duy Tân thứ 4 (chuông ghi: Duy Tân van vạn niên) năm 1910, hai trụ lớn của cửa vào tam quan và gác chuông được đắp nổi, dưới là lồng đèn được trang trí tứ linh; long, ly, quy, phượng, thân trụ đắp nổi các âu đối bằng chữ Hán cổ.
Chùa Quỳnh là một di tích có bề dầy lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Chùa cũng là điểm lưu giữ sự kiện cách mạng kháng chiến đã được UBND Thành Phố Hà Nội gắn biển.
Nằm trong khuôn viên của di tích có nhà bia liệt sĩ phường Quỳnh Lôi. Trong cuộc vận động cách mạng từ năm 1930 đến 1945, Quỳnh Lôi có nhiều gia đình có con em hoạt động bí mật, nhiều gia đình là cơ sở của cách mạng, là nơi nuôi giấu cán bộ, nơi hội họp của xứ ủy Bắc Kỳ. Có giai đoạn phong trào phải tạm lắng, chuyển hướng hoạt động từ bề rộng sang chiều sâu, từ công khai sang bí mật, khôn khéo, kín đáo hơn. Trong những năm địch đánh phá ác liệt, cộng đồng nhân dân Quỳnh Lôi rất tự hào đã làm tròn nghĩa vụ “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”. Qua 32 đợt thanh niên lên đường nhập ngũ, nhiều đồng chí đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngày 06/3/2017, công trình đã được khởi công tôn tạo và hoàn công vào ngày 27/7/2017. Trong quá trình rà soát, bổ sung thông tin, danh sách các liệt sỹ, UBND phường tổng hợp được danh sách 129 liệt sỹ (bổ sung 20 liệt sỹ). Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (1947 – 2017), đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là nơi để cán bộ và nhân dân phường học tập và nhớ về công ơn thế hệ cha anh đi trước.
Có thể nói Quỳnh Lôi trước đay từng nổi tiếng với “địa linh nhân kiệt” thì ngày nay ở Quỳnh Lôi thế hệ con cháu qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã nối tiếp ông cha viết thêm những trang sử hào hùng, thấm đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự nghiệp thiêng liêng của những người con ưu tú của quê hương vẫn sống mãi trong tâm khảm của nhân dân Quỳnh Lôi. Miền đất cổ Quỳnh Lôi vẫn giữ được nét đepk của Thăng Long-Hà Nội, hiếu khách và luôn tự hào về miền quê của mình.